TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HOÁ HỒ CHÍ MINH GẮN VỚI PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TỐT ĐẸP CỦA NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN BÁC

Văn hoá Hồ Chí Minh là một hệ thống các giá trị văn hóa, tư tưởng, đạo đức và tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại cho đất nước và nhân dân ta. Đây không chỉ là khái niệm về một cá nhân, mà là một khái niệm toàn diện về một tầm gương lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh là hình ảnh của dân tộc, là tinh hoa, khí phách của dân tộc và thời đại. Người không chỉ là lãnh tụ của Đảng mà còn là lãnh tụ của Nhân dân. Văn hoá Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho sự kết hợp giữa con người và nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh với cuộc đời và sự nghiệp văn hoá của Người.


Văn hoá Hồ Chí Minh bao gồm những phẩm chất và tư tưởng cao đẹp như tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi, cần kiệm liên chính, chí công vô tư, tinh thần khoan dung, bác ái, dân chủ, yêu chuộng tự do, công lý và hoà bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh công hiến cả đời mình để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Văn hoá Hồ Chí Minh không chỉ tập trung vào khía cạnh chính trị mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, kinh tế và xã hội. Tầm ảnh hưởng của Hồ Chí Minh tiếp tục tồn tại và phát triển trong xã hội Việt Nam hiện nay, là nguồn cảm hứng và động lực để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và phát triển bền vững. Văn hoá Hồ Chí Minh không chỉ là một di sản quý giá của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại, đóng góp vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại và hòa bình thế giới.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu sắc và tôn trọng đối với vùng đất và nhân dân miền Nam. Trong những ngày tuổi cao, bệnh trọng, Bác vẫn luôn theo dõi tình hình chiến trường miền Nam. Người nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Câu nói của Bác thể hiện sự quý trọng, tin yêu những nỗ lực, khó khăn mà nhân dân miền Nam phải đối mặt trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đó còn là sự đoàn kết và tình đồng chí của toàn dân Việt Nam vì mục tiêu chung của độc lập dân tộc và phát triển nước nhà. Cảm nhận sâu sắc tình cảm đó từ Người, người dân Việt Nam nói chung, người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng biết ơn Bác vô hạn:

“Bác đi… Di chúc giục lòng ta
Cho cả muôn đời một khúc ca
Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn
Và tình thương, ơn nghĩa bao la”
(Tố Hữu – “Nhớ lời di chúc, theo chân Bác”)

Với mỗi người dân thành phố Hồ Chí Minh, Bác luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc hết lòng phụng sự tổ quốc phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu. Vì thế xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải xác định là nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài.

 Từ khi Người ra đi vào cõi ngàn thu, Đảng bộ Thành phố đã xây dựng nhiều công trình để tri ân và tôn vinh các giá trị văn hoá của Người. Xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI thông qua. Nghị quyết ghi rõ: “Thông qua xây dựng thành phố thành Không gian văn hoá Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống đặc trưng văn hoá của đảng viên và Nhân dân Thành phố[1]. Bởi lẽ đây chính là nơi lan toả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, là suối nguồn, sức mạnh đặc trưng của Thành phố mang tên Bác. Xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh là quyết sách độc đáo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, là khát vọng của người dân trong việc thể hiện tấm lòng son sắt đối với Bác, là phương thức để xây dựng Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh; để cho những ai đến nơi đây đều cảm nhận được sự lan toả tư tưởng, văn hoá, đạo đức và phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng về nhiệm vụ xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa nói chung, từ những ngày đầu thành lập trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã và đang xây dựng cho mình hệ thống giá trị cốt lõi và gắn bó với giá trị này trong suốt quá trình hoạt động và phát triển của trường. Trong đó, việc tôn tạo và phát triển các giá trị văn hoá Hồ Chí Minh luôn được nhà trường ưu tiên phát triển.

Trong tổng thể bức tranh văn hoá – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học Nguyễn Tất Thành – ngôi trường mang tên Bác thời niên thiếu, đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tính thiếu yếu này, đã đồng lòng xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí minh tại ngôi trường này để góp phần nâng cao giá trị văn hoá của thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng không gian văn hoá tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành không chỉ có ý nghĩa với giảng viên, cán bộ công nhân viên và hàng chục ngàn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học tại trường mà còn góp phần vào sự nghiệp giáo dục tư tưởng đạo đức, phong cách của sinh viên, học viên sau khi ra trường.

 Để xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tập trung vào một số phương hướng và chương trình hành động cụ thể:

Thứ nhất, nhà trường luôn tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và sinh viên về nội dung giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Luôn quán triệt và xác định rõ tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Tư tưởng đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá là động lực nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn thử thách thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng hiện nay. Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, chấp hành tốt kỷ luật kỷ cương, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tham nhũng và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái. Nhà trường luôn nhận thức được trong nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì yếu tố tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh phải luôn được hiện hữu, thường xuyên trở thành tài sản tinh thần giá trị văn hóa đặc trưng của nhà trường.

Thứ hai, vấn đề cốt yếu nhất trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại ngôi trường mang tên Bác là cần làm cho tư tưởng đạo đức phong cách và tấm gương Hồ Chí Minh thấm đẫm trở thành lẽ sống của mỗi người dân thành phố. Thế nên, phương cách tốt nhất để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại ngôi trường mang tên Bác là tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục những hình ảnh đời thường bình dị, trong sáng trong cuộc sống hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh đến cán bộ đảng viên, công nhân viên, sinh viên và học viên nhà trường; xây dựng hình ảnh trong tiềm thức tư tưởng của mỗi người về hình ảnh Bác Hồ luôn thân quen, gần gũi gắn bó yêu thương.

Chính cuộc sống thường nhật giản dị, tấm lòng bao dung vị tha của Bác qua tuyên truyền, giáo dục sẽ trở thành thói quen nếp sống hàng ngày của đội ngũ cán bộ, Đảng viên và sinh viên nhà trường. Đó là lòng nhân ái cuộc sống đầy tình người với đồng chí đồng bào. Đặc biệt người cán bộ Đảng viên của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung cần thuộc lòng và thể hiện chân thật lời dạy thiêng liêng quý báu của Bác trong “Di chúc” là: Phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau.

Thứ ba, nhà trường còn đẩy mạnh các hình thức biểu dương quảng bá tuyên truyền nhân rộng các tấm gương tiêu biểu về việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường. Xây dựng phòng truyền thống, góc truyền thống trong khuôn viên trường học. Tiếp tục phát huy lối sống nghĩa tình – một giá trị đặc trưng của con người thành phố Hồ Chí Minh, đẩy mạnh các hoạt động nhân ái, thiện nguyện trong các phong trào tình nguyện công tác xã hội trong cán bộ đảng viên và sinh viên.

Thứ tư, việc phát huy tác dụng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh là phải thực hiện thường xuyên việc xây dựng các quy chuẩn về văn hóa và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa nhân các ngày lễ 3/2, 19/5, 30/4, 05/6, 19/8 và 02/9 gắn với quảng bá sâu rộng về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng, tấm gương và phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành nguồn động lực và hướng dẫn cho các thế hệ sau này trong việc xây dựng và phát triển không gian văn hóa và là cơ hội để mọi người nghiên cứu và tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời góp phần tạo ra một không khí đoàn kết, yêu nước, và đồng lòng trong xây dựng không gian văn hóa mang đậm dấu ấn văn hoá Việt Nam. Thông qua những động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, giao lưu văn hoá… Những hoạt động này giúp duy trì và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên môi trường sống văn minh và tinh thần trong cộng đồng.

Thứ năm, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần chú trọng tới xây dựng không gian xanh công cộng và “tủ sách Hồ Chí Minh”. Không gian xanh công cộng trong nhà trường có thể là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, như buổi đọc sách, triển lãm nghệ thuật, hội thảo văn hóa liên quan tới di sản của Hồ Chí Minh. Những hoạt động này khuyến khích sự tham gia và giao lưu văn hóa, tăng cường kiến thức và ý thức văn hóa Hồ Chí Minh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng “tủ sách Hồ Chí Minh” là một điểm sáng đáng tự hào của trường đại học, bởi vì nó tạo sự kết nối giữa thế hệ trước và thế hệ hôm nay. Nó giúp các thế hệ sinh viên hiện tại và tương lai hiểu rõ hơn về lịch sử và những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh. Tổ chức xây dựng “tủ sách Hồ Chí Minh” tại trường đại học không chỉ là một việc làm văn hóa mà còn là sự trân quý của công dân Việt Nam dành cho Bác Hồ – người thuyền trưởng đã dẫn dắt đất nước qua những giai đoạn khó khăn để giữ vững độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc. Xây dựng “tủ sách Hồ Chí Minh” không chỉ đơn thuần là việc lưu trữ và trưng bày về di sản của chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn có ý nghĩa sâu sắc và to lớn đối với việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và tư tưởng của Người, góp phần tạo nên môi trường học tập, nghiên cứu và giao lưu văn minh trong cộng đồng.

Tóm lại, với mỗi người dân thành phố mang tên Bác, chủ tịch Hồ Chí minh luôn là biểu tượng người sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người là tấm gương hy sinh, dâng hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng phụng sự tổ quốc phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn để lại cho thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu. Vì thế xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải xác định là nhiệm vụ chung, thường xuyên để tạo điều kiện cho người dân thành phố Hồ Chí Minh phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức tuân thủ pháp luận, sống có trách nhiệm với gia đình cộng đồng, xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cái chung đó, xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại các trường đại học Nguyễn Tất Thành là một bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước của Bác cho thế hệ mai sau. Đồng thời, xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh sẽ góp phần kiến tạo nên tinh thần tự hào dân tộc, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình và tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, với cộng đồng và xã hội của sinh viên, học viên sau đại học và cán bộ giảng viên, công nhân viên nhà trường.

[1] Đảng bộ Thành Phố Hồ Chí Minh (2000), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ CHí Minh, tr.194.

Đảng Ủy Trường ĐH Nguyễn Tất Thành